
Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 128/2020/NĐ-CP đang được lấy ý kiến các cơ quan ban ngành, hiệp hội, DN và các đơn vị hải quan trong toàn Ngành, cơ quan Hải quan dự kiến sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến nguyên tắc áp dụng xử phạt, thời hiệu xử phạt; thẩm quyền lập biên bản; thẩm quyền xử phạt của lực lượng Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển; nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt; thủ tục xử phạt, thi hành quyết định hay đề xuất sửa đổi quy định miễn, giảm tiền phạt VPHC.
Tại khoản 2 Điều 1 Luật XLVPHC 2020 sửa điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC quy định một người thực hiện nhiều hành vi VPHC hoặc VPHC nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi VPHC nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng. Theo Tổng cục Hải quan, với quy định này thì tại Nghị định 128/2020/NĐ-CP chưa có quy định. Do đó, để phù hợp với quy định tại Luật XLVPHC 2020, Tổng cục Hải quan dự kiến sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc áp dụng xử phạt VPHC trong lĩnh vực hải quan theo hướng đối với trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi VPHC hoặc VPHC nhiều lần. Theo đó, quy định cụ thể hành vi, nhóm hành vi nào sẽ xử phạt về từng hành vi, trường hợp nào sẽ áp dụng tình tiết tăng nặng “vi phạm nhiều lần”.
Quy định về thời hiệu xử phạt VPHC trong lĩnh vực hải quan tại Luật XLVPHC 2020 chỉ sửa đổi về các dẫn chiếu theo luật đối với một số quy định tai Nghị định 128/2020/NĐ-CP có dẫn chiếu đến Luật XLVPHC hiện hành. Trong đó, tại Nghị định 128/2020/NĐ-CP chưa có quy định về thời hiệu xử phạt đối với các hành vi khác trong lĩnh vực hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 6 Luật XLVPHC 2020, trừ trường hợp quy định định tại khoản 1, Điều 4 Nghị định 128/2020/NĐCP.
Do đó, cơ quan Hải quan đề xuất bổ sung thời hiệu xử phạt đối với các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 6 Luật XLVPHC 2012 đã được bổ sung, sửa đổi năm 2020, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật XLVPHC hiện hành.
Trong đó, tại khoản 31 Điều 1 Luật XLVPHC 2020 đã sửa đổi khoản 1, khoản 2 Điều 63 Luật XLVPHC mới chỉ sửa về thủ tục xử lý hồ sơ khi cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến. Tuy nhiên, các nội dung này không yêu cầu Chính phủ quy định cụ thể. Vì vậy, cơ quan Hải quan cho rằng, cần sửa các nội dung của Nghị định 128/2020/NĐ-CP có dẫn chiếu về Luật XLVPHC 2020. Cụ thể, cơ quan Hải quan dự kiến sửa quy định này theo hướng: “trường hợp vi phạm hành chính do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến theo quy định tại Điều 63 Luật XLVPHC năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì thời hiệu được áp dụng theo quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 1 Điều này. Thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính”.
Tại khoản 15 Điều 1 Luật XLVPHC 2020 đã sửa đổi, bổ sung Điều 42 Luật XLVPHC 2012 về thẩm quyền xử phạt của hải quan. Do đó, cơ quan Hải quan cho rằng, cần phải sửa các nội dung tại Điều 29 Nghị định 128/2020/NĐ-CP để phù hơp với các nội dung liên quan như: bỏ việc giới hạn tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm của cấp cục, thay đổi mức trị giá áp dụng biện pháp tịch thu tang vật phương tiện, vi phạm của cấp chi cục.
Cụ thể, cơ quan Hải quan đề xuất sửa đổi quy định tại khoản 2, Điều 29 Nghị định 128/2020/NĐ-CP theo hướng bổ sung chức danh có thẩm quyền xử phạt “tổ trưởng thuộc chi cục hải quan; tổ trưởng thuộc Đội Kiểm soát thuộc cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”.
Cũng tại khoản 3, Điều 29 Nghị định 128/2020/NĐ-CP, cơ quan Hải quan đề xuất sửa đổi theo hướng bổ sung các chức danh có thẩm quyền xử phạt như: Đội trưởng Đội điều tra hình sự, Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Cục Kiểm tra sau thông quan. Sửa đổi thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm: “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 2 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này”.
Hay tại khoản 4 Điều 29 Nghị định 128/2020/NĐ-CP dự kiến cũng sẽ bỏ quy định về giới hạn tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm của cấp cục hải quan. Ngoài ra, một số chức danh nêu tại Luật XLVPHC 2020 đã thay đổi, do vậy, cơ quan Hải quan sẽ rà soát bổ sung, sửa đổi để thống nhất cách gọi.
Cơ quan Hải quan cho biết, đối với thẩm quyền của Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Cảnh sát biển, tại Luật XLVPHC 2020 cũng đã sửa đổi, bổ sung một số khoản. Do đó, tại Nghị định 128/2020/NĐ-CP cũng cần sửa đổi các chức danh, rà soát thẩm quyền xử phạt của từng chức danh cụ thể.
Trong đó, cơ quan Hải quan dự kiến bổ sung thầm quyền của các chức danh: Đội trưởng Đội đặc nhiệm phòng chống ma tuý và tội phạm thuộc Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma tuý và tội phạm; Đoàn trường Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma tuý và tội phạm thuộc Cục Phòng chống ma tuý và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP. Sửa đổi thẩm quyền xử phạt các chức danh: Đồn trưởng Đồn Biên phòng, Hải đội trưởng Hải đội Biên phòng; Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng; Chỉ huy trưởng BĐBP cấp tỉnh; Hải đoàn trường Hải đoàn Biên phòng… Cơ quan Hải quan đề xuất sửa đổi khoản 5 Điều 31 Nghị định 128/2020/NĐ-CP theo hướng bổ sung chức danh phù hợp Luật XLVPHC 2020 đối với: “Hải đoàn trường Hải đoàn Cảnh sát biển; Đoàn trưởng Đoàn trinh sát, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma tuý thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam”…
Đối với quy định liên quan đến thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt đã được quy định tại Điều 33 Nghị định 128/2020/NĐ-CP, cơ quan Hải quan dự kiến sửa đề phù hợp với thực tế và thuận lợi trong quá trình áp dụng vào từng trường hợp cụ thể.
Nguồn: Nụ Bùi – Hải Quan Online